? Hẳn bạn đã từng bắt gặp những cặp vợ chồng trẻ nói chuyện với con bằng tiếng Anh từ khi chúng còn nhỏ, ngay cả khi chỉ đang dạo chơi hoặc đi ăn nhà hàng, và khả năng cao là bạn thấy điều đó … rất kỳ lạ. Bạn hiểu họ đang nuôi dạy con theo phương pháp song ngữ (bilingual), nhưng bạn cho rằng một phương pháp như dạy sẽ phản tác dụng. Bạn có thể nghĩ đứa trẻ sẽ không thật sự làm chủ được ngôn ngữ nào, “mất gốc” tiếng mẹ đẻ, hoặc việc học ngoại ngữ sẽ hiệu quả hơn khi đã hiểu tiếng mẹ đẻ trước và học tiếng mới thông qua ngôn ngữ đó.
? Năm 2015, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận TED-Ed đã phát sóng một video dài 5 phút dựa trên nghiên cứu của tác giả Mia Nacamulli về lợi ích của một não bộ song ngữ được phát triển từ nhỏ. Đến nay, video này đã đạt hơn 10 triệu lượt xem và làm tiền đề cho rất nhiều tư duy giáo dục mới của cả các nhà giáo và các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Sau đây, SA English sẽ tóm lược nội dung của video đó để bạn có thể phần nào thay đổi suy nghĩ về giáo dục song ngữ cho con: “Ngoài việc ít gặp khó khăn hơn khi đi du lịch nước ngoài hoặc xem phim không có phụ đề, biết hai ngôn ngữ trở lên nghĩa là não bộ của trẻ có thể thực sự cấu trúc và hoạt động khác với những người bạn đơn ngữ đó.
? Khả năng ngôn ngữ thường được đánh giá bằng hai kỹ năng chủ động (nói và viết) và hai kỹ năng bị động (nghe và đọc). Mặc dù một người song ngữ cân bằng có khả năng gần như ngang nhau trong cả hai ngôn ngữ, hầu hết những người song ngữ trên thế giới đều làm chủ và sử dụng ngôn ngữ của họ với tỷ lệ khác nhau.
? Họ có thể được phân loại thành ba loại chung. Ví dụ, hãy xét trường hợp của Gabriella, một đứa trẻ có gia đình nhập cư đến Mỹ từ Peru từ khi khi bé mới hai tuổi. Là một người song ngữ tổng hợp (compound bilingual), Gabriella phát triển đồng thời hai mã ngôn ngữ với một bộ khái niệm duy nhất, học cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha từ khi bé bắt đầu có nhận thức thế giới xung quanh mình. Mặt khác, anh trai của bé có thể là một người song ngữ phối hợp (coordinate bilingual), làm việc với hai nhóm khái niệm khác nhau, học tiếng Anh ở trường trong khi tiếp tục nói tiếng Tây Ban Nha ở nhà và với bạn bè. Cuối cùng, cha mẹ của Gabriella có khả năng là những người học song ngữ chính – phụ (subordinate bilingual): học ngôn ngữ phụ bằng cách lọc và hiểu nó thông qua ngôn ngữ chính của họ.
? Bởi vì cả ba loại người song ngữ đều có thể hoàn toàn thành thạo ngoại ngữ của họ, sự khác biệt có thể không rõ ràng đối với một người quan sát bình thường. Nhưng những tiến bộ gần đây trong công nghệ hình ảnh não đã cho chúng ta cái nhìn sơ lược về các khía cạnh cụ thể của việc học ngôn ngữ ảnh hưởng đến bộ não song ngữ như thế nào. Ai cũng biết rằng bán cầu não trái chiếm ưu thế hơn và phân tích trong các quy trình logic, trong khi bán cầu não phải hoạt động tích cực hơn trong các quy trình tình cảm và xã hội, mặc dù đây không phải là sự phân chia tuyệt đối. Sự thật là việc học ngôn ngữ liên quan đến cả hai loại chức năng này đã dẫn đến sự hình thành của giả thuyết “Thời kỳ Nền tảng”. Theo thuyết này, trẻ em học ngôn ngữ dễ dàng hơn vì sự dẻo dai của bộ não đang phát triển cho phép chúng sử dụng cả hai bán cầu trong việc tiếp thu ngôn ngữ, trong khi ở hầu hết người lớn, ngôn ngữ được tập trung vào một bán cầu, thường là bên trái. Nếu điều này là đúng, học ngôn ngữ mới từ khi còn nhỏ có thể giúp trẻ nắm bắt toàn diện hơn về bối cảnh xã hội và cảm xúc gắn liền với ngôn ngữ đó. Ngược lại, nghiên cứu gần đây cho thấy những người học ngôn ngữ thứ hai ở tuổi trưởng thành ít có khuynh hướng cảm xúc và có cách tiếp cận lý tính hơn khi đối mặt với các vấn đề bằng ngôn ngữ thứ hai so với ngôn ngữ mẹ đẻ.
❗ Nhưng bất kể bạn học ngôn ngữ mới tại thời điểm nào, thì việc đa ngôn ngữ sẽ mang lại cho não bộ của bạn một số lợi thế đáng kể. Một số lợi thế này thậm chí có thể quan sát thấy rõ, chẳng hạn như mật độ chất xám cao hơn chứa hầu hết các tế bào thần kinh và khớp thần kinh của não, và nhiều hoạt động hơn ở một số vùng nhất định khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai. Quá trình luyện tập nâng cao mà một bộ não song ngữ nhận được trong suốt cuộc đời của nó cũng có thể giúp trì hoãn sự khởi phát của các bệnh như Alzheimer và chứng mất trí nhớ tới 5 năm.
❗ Một nghiên cứu gần đây hơn đã chỉ ra rằng nỗ lực và sự chú ý cần có để chuyển đổi qua lại giữa hai ngôn ngữ đã kích hoạt nhiều hoạt động hơn và có khả năng củng cố vỏ não trước trán hai bên ở người song ngữ. Đây là phần não đóng vai trò lớn trong chức năng điều hành, giải quyết vấn đề, chuyển đổi giữa các tác vụ, tập trung đồng thời lọc bỏ những thông tin không liên quan. Vì vậy, trong khi trạng thái song ngữ không nhất thiết làm cho trẻ thông minh hơn, nó làm cho não của trẻ khỏe mạnh hơn, phức tạp hơn và tích cực hoạt động.”
❗ Có thể nói phát triển song ngữ là một bài tập vô cùng có lợi cho sự phát triển của não bộ trẻ nhỏ, và bài tập này không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Có lẽ điểm bắt đầu tốt nhất là ngay bây giờ, bằng cách đổi câu chào quen thuộc với con bạn hàng ngày bằng “Hello, how are you?” chăng?