Làm thế nào để ba mẹ có thể chắc chắn rằng các ứng dụng giáo dục dành cho trẻ em có hiệu quả? Tracy Dumais, một nhà tư vấn học tập qua thiết bị di động và là chuyên gia nghiên cứu việc học của trẻ nhỏ tại Hội đồng Anh, sẽ giúp chúng ta trả lời những vấn đề liên quan đến câu hỏi trên.
Ba mẹ quan tâm điều gì khi con sử dụng các ứng dụng giáo dục?
Khi các ứng dụng giáo dục trở nên phổ biến ở trường lẫn ở nhà cho trẻ như: ứng dụng học từ vựng tiếng Anh, ứng dụng luyện nghe, v.v… sẽ khiến không ít các bậc phụ huynh quan tâm về tính giáo dục thật sự của các ứng dụng. Hầu hết những mối quan tâm của các ba mẹ thường xoay quanh những việc như: làm thế nào để đảm bảo nội dung của một ứng dụng sẽ phù hợp với con của họ, phụ huynh nên làm gì để hỗ trợ con mình tận dụng tối đa công nghệ và các con nên dành thời gian bao lâu để sử dụng các ứng dụng học tập này?
Sở dĩ có những thắc mắc này bởi vì chúng ta quan tâm đến sự an toàn của trẻ và mong muốn trẻ có được các cơ hội học tập tốt nhất trên các ứng dụng. Các nhà phát triển ứng dụng giỏi sẽ phải xem xét tất cả các câu hỏi này và các khía cạnh khác khi tạo ra ứng dụng giáo dục dành cho trẻ em, để từ đó có thể mang đến các trải nghiệm giáo dục an toàn và thú vị cho trẻ.
Các ứng dụng công nghệ giúp trẻ học như thế nào?
Đã từng có một cuộc tranh cãi diễn ra trong một khoảng thời gian về việc “trẻ em nên dành bao nhiêu thời gian để sử dụng các thiết bị di động?”. Song song đó, cũng có nhiều nhà nghiên cứu thực hiện các cuộc khảo sát và chỉ ra những lợi ích to lớn từ việc học thông qua các ứng dụng trên thiết bị công nghệ thông minh như điện thoại, ipad, máy tính, v.v…
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi đại học New York nhằm xác định tác động của các ứng dụng Đọc tiếng Anh được phổ biến với một nhóm gồm 95 học sinh trong độ tuổi từ bốn đến năm tuổi. Thời gian các bé được dùng ứng dụng này khoảng 12 đến 15 phút mỗi ngày, diễn ra liên tục trong sáu tuần. Sau sáu tuần, những đứa trẻ thường xuyên sử dụng ứng dụng này đã thể hiện sự cải thiện rõ rệt trong các lĩnh vực như: kiến thức về bản in (các hình thức và chức năng của bản in như cách chúng ta đọc từ trái qua phải, nhận diện mặt chữ,…), nhận thức về âm vị học và cách đọc các chữ cái.
Các nhà phát triển sẽ luôn kiểm tra ứng dụng của mình cả trong và sau quá trình phát triển, nhằm đảm bảo tính liên tục được cập nhật và kiểm duyệt. Bằng cách này, các nhà phát triển sẽ biết được liệu trẻ có thường dùng ứng dụng hay không và quan trọng hơn là liệu trẻ có đang nhận được nhiều lợi ích từ ứng dụng này hay không.
Cách để biết một ứng dụng phù hợp với trẻ?
Tin vui cho các bậc cha mẹ là: nếu tìm thấy một ứng dụng học tập dành cho trẻ em trên kho ứng dụng của Google và Apple thì hãy yên tâm là nội dung đó đã được kiểm duyệt và chắc chắn phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ngoài ra, theo chính sách của Apple, nếu trẻ muốn mua một ứng dụng giáo dục thì cần có sự đồng ý từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, còn một cách khác để phụ huynh có thể đảm bảo nội dung trên ứng dụng phù hợp với trẻ nhỏ, đó là chọn một nhà phát triển hay một thương hiệu đáng tin cậy. Các hãng nổi tiếng sẽ không cung cấp nội dung hoặc các quảng cáo không phù hợp cho trẻ nhỏ hoặc người lớn. Nếu ba mẹ không biết hãng nào đáng tin cậy, thì có thể sử dụng trang web chuyên chọn nội dung phù hợp cho trẻ em, như The Good App Guide (Anh) hoặc Common Sense Media’s Essential App Guide (Hoa Kỳ). Ngoài ra, nếu phụ huynh có nhu cầu rèn luyện tiếng Anh cho trẻ nhỏ, có thể truy cập vào ứng dụng học từ vựng tiếng Anh tại đây.
Một ứng dụng được xem là phù hợp với trẻ em là khi nội dung và giao diện người dùng của ứng dụng đó được đánh giá tốt bởi chính các em hoặc phụ huynh của các bé đã từng sử dụng qua ứng dụng này. Những đánh giá này không chỉ là trải nghiệm ứng dụng mà còn là sự trải nghiệm các hoạt động thực tế. Ví dụ, như trong trò chơi tìm đồ vật, nhà phát triển ứng dụng sẽ để trẻ tìm kiếm đồ vật bị giấu trong trong cát, rồi đặt các vật tìm được vào một chiếc hộp. Trò chơi này nhằm kiểm tra xem trẻ có hiểu được vấn đề hay không. Khi đã hài lòng với cách trò chơi hoạt động, ứng dụng sẽ được nâng cấp lên các phiên bản mới hơn về thông số kỹ thuật và kiểm tra lại để canh thời gian phù hợp cho trẻ tìm đồ vật. Các nhà sản xuất rất quan tâm đến việc đảm bảo tiến trình thực hiện trò chơi luôn ở mức vừa phải để trẻ cảm thấy hào hứng khi tham gia và học những từ vựng mới.
Cuối cùng, cách đơn giản nhất để xác định xem một ứng dụng có phù hợp với trẻ hay không là ba mẹ cho phép trẻ chơi một ứng dụng trong một khoảng thời gian và quan sát các phản ứng của trẻ. Một ứng dụng giáo dục tốt dành cho trẻ em sẽ gồm có nhiều cấp độ học tập khác nhau. Một số trẻ có tính cẩn thận và chính xác sẽ mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và trả lời được nhiều câu hỏi đúng hơn ngay trong lần đầu tiên. Một số khác thì lại có thể trả lời chính xác trong thời gian ngắn hơn. Vì vậy, các trò chơi giáo dục dành cho trẻ em cần phải được lập trình với tốc độ đa dạng để tạo điều kiện cho trẻ phát triển.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng ứng dụng mà trẻ đang dùng không có hình phạt khi trẻ trả lời sai bởi vì mắc lỗi là một phần của quá trình học tập. Trẻ cần có thật nhiều cơ hội để tìm ra câu trả lời đúng. Phụ huynh cũng không nên chọn ứng dụng có quá nhiều âm thanh, sẽ khiến trẻ mất tập trung và không thoải mái.
Ba mẹ nên làm gì để khuyến khích trẻ học tập tích cực thông qua các ứng dụng?
Nếu hỏi phụ huynh và giáo viên điều gì làm cho con trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách hào hứng, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là các phần thưởng.
Tương tự như vậy đối với các ứng dụng học tiếng Anh cho bé, phần thưởng cho việc hoàn thành từng giai đoạn là rất cần thiết để duy trì sự tập trung của trẻ. Điều này giúp đảm bảo trẻ sẽ tiếp tục dùng ứng dụng và tích cực tham gia học tập. Một số ví dụ điển hình như ở trò chơi: các nhãn dán hoạt hình trong Monkey Lunchbox, mở khóa các nhân vật mới trong Mario’s Alphabet và những đoạn video trong Learning Time with Timmy.
Tuy nhiên, việc trao phần thưởng thường xuyên và tăng dần cấp độ thử thách sẽ chỉ phát huy ở một mức nào đó. Điều cần thiết là trong lúc trẻ sử dụng ứng dụng, ba mẹ cũng nên đồng hành, hỗ trợ và khen ngợi con mình đúng lúc.
Thông thường, khi chúng ta sử dụng công nghệ, lúc đầu ta sẽ cực kỳ thích thú nhưng dần sẽ cảm thấy chán và không muốn sử dụng ứng dụng nữa. Nếu trường hợp như vậy diễn ra với con trẻ, các bậc phụ huynh đừng vội xóa một ứng dụng. Thay vào đó, hãy chờ một thời gian thích hợp rồi khuyến khích trẻ dùng lại ứng dụng đó như: trong lúc đi xa hoặc trong khi chờ đợi ở phòng khám, v.v… Ba mẹ sẽ thấy rằng trẻ mau chóng trở nên hăng hái và tham gia tích cực vào trò chơi.
Tổng kết
Mỗi trẻ em sẽ có một tốc độ phát triển hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, sự khám phá, học hỏi của trẻ thông qua các ứng dụng học tập cũng không giống nhau. Ba mẹ nên quan sát khả năng của con mình khi trẻ sử dụng tiếng Anh. Ví dụ: khả năng trẻ vận dụng những từ vựng mới học vào trong đời sống hàng ngày, các kỹ năng tiếng Anh như cách phát âm to rõ khi hát, kể chuyện, cách nhấn âm, v.v… Bằng cách theo dõi con mình dùng ứng dụng, ba mẹ có thể thấy các ứng dụng ra đời đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện kết quả học tập của trẻ em. Quan trọng hơn, nếu một đứa trẻ thích một ứng dụng giáo dục, chúng sẽ thể hiện sự hào hứng với chủ đề mà chúng đang học.
Phụ huynh cũng đừng lo lắng nếu các con không thể sử dụng ngay những điều mà trẻ đã học từ ứng dụng. Đó là vì mỗi đứa trẻ sẽ phát triển ở những mức độ khác nhau. Ở độ tuổi này, các ứng dụng có thể là một cách hay để trẻ em tiếp cận âm thanh, từ ngữ và cụm từ nhằm đặt nền tảng cho việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong tương lai.